Cuộc đời và sự nghiệp Vương_Kiến_(Bắc_Ngụy)

Kiến thiếu thời được gả công chúa. Năm Đăng Quốc đầu tiên (386), được làm Ngoại triều đại nhân, cùng bọn Tố Hòa Bạt 13 người thay nhau làm Điển thứ sự, tham gia bàn bạc quốc sự. Năm thứ 2 (387), Kiến làm sứ giả đến Hậu Yên, lời lẽ, thần sắc tỏ ra cứng cỏi, được Yên Thế Tổ Mộ Dung Thùy khâm phục. Trở về được làm Tả đại phu. Kiến tòng chinh các nước, tham gia phá hơn 20 bộ tộc, nhờ công được ban vài mươi nô tỳ, vài ngàn gia súc; tòng chinh Lưu Vệ Thần, sau khi thắng lợi được ban 50 hộ nô lệ thiếu niên [4], làm Trung bộ đại nhân.[2][3]

Sau khi quân Ngụy đại thắng quân Hậu Yên ở trận Tham Hợp Pha, bắt được mấy vạn tù binh. Ngụy vương Thác Bạt Khuê muốn giữ những kẻ có tài năng trong đám tù binh Hậu Yên, còn lại thì cấp y phục – lương thực mà tha đi, để người Trung Nguyên cảm ơn đức ấy. Thác Bạt Khuê bèn triệu quần thần bàn bạc, Vương Kiến nói:

"Mộ Dung Bảo thua nặng như vậy, trong nước rỗng không, đánh lấy rất dễ. Nay bắt rồi lại thả, chẳng sợ không thể bắt lại được à!? Nếu thả chúng sẽ sanh hậu hoạn, không bằng giết đi."

Khi Thác Bạt Khuê còn băn khoăn vì việc làm tàn nhẫn, chư tướng cho rằng lời Kiến là phải, ông cũng kiên trì thuyết phục, nên Thác Bạt Khuê đồng ý chôn sống số tù binh ấy, sau đó lại hối hận[2][3].

Sau đó Vương Kiến cùng đi đánh Hậu Yên, được phong làm Quan quân tướng quân. Chiếm xong Tịnh Châu, Ngụy vương Thác Bạt Khuê đông tiến ra khỏi Tỉnh Hình, lệnh cho Kiến dẫn 5 vạn kỵ binh đi trước mở đường. Thác Bạt Khuê đến Thường Sơn, các quận đều hàng, chỉ còn Trung Sơn, Nghiệp, Tín Đô. Vương Kiến đem 5 vạn quân đánh Tín Đô, hơn 60 ngày không hạ được, sĩ tốt bị thương rất nhiều. Thác Bạt Khuê từ Trung Sơn đến Tín Đô, tướng giữ thành là Ký Châu thứ sử Mộ Dung Phượng trong đêm bỏ trốn, Tín Đô đầu hàng. Thác Bạt Khuê quay lại đánh Trung Sơn. Khi quân Ngụy vây Trung Sơn, Thác Bạt Khuê sai người trèo lên sào xa [5], gọi vào thành chiêu dụ rằng:

"Mộ Dung Bảo bỏ thành chạy trốn, trăm họ chúng mày vì ai mà cố thủ? Sao không biết mệnh trời mà tự tìm chết như vậy!?"

Người trong thành đáp rằng:

"Chúng tôi nhỏ bé vô tri, nhưng lại sợ sẽ bị giết như mọi người ở Tham Hợp, chỉ muốn giữ tính mạng thêm mươi ngày một tháng mà thôi!"

Thác Bạt Khuê nghe xong thì quay lại, trừng mắt nhìn Kiến, rồi nhổ vào mặt ông[2][3].

Cuối cùng quân Bắc Ngụy cũng chiếm được thành, Vương Kiến vẫn được ban tước Bộc Dương công.

Người tộc Ô Hoàn là Khố Nộ Quan Minh nổi dậy, Kiến nhận chiếu đánh dẹp. Được thăng Thái phó, thăng làm Chân Định công, gia Tán kỵ thường thị, Ký, Thanh 2 châu thứ sử.[2][3]

Không rõ sau này Vương Kiến mất khi nào, chỉ biết ông qua đời sau Thác Bạt Khuê (bị giết năm 409). Ông được bồi táng ở Kim lăng (lăng mộ của Bắc Ngụy Đạo Vũ đế Thác Bạt Khuê)